Quảng cáo “bẩn” bủa vây, người dùng cần tự bảo vệ chính mình trước

Tre Em Dang Bi Theo Doi Boi Hang Ngan Ung Dung Android 1523961163841683902214

Tre Em Dang Bi Theo Doi Boi Hang Ngan Ung Dung Android 1523961163841683902214

Sự phát triển và bùng nổ của các nền tảng online hiện nay đã giúp cho bức tranh quảng cáo số của thị trường khu vực nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng trở nên sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động đến nhu cầu sử dụng Internet của người dân.

Quảng cáo trực tuyến đã dần trở nên quen thuộc với hầu hết người dùng Internet qua các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook hay Google. Doanh thu khổng lồ hàng năm của quảng cáo trực tuyến phần nào cho thấy sự phổ biến cũng như tốc độ tăng trưởng, sức ảnh hưởng của loại hình quảng cáo này.

Quảng cáo bẩn bủa vây, người dùng cần tự bảo vệ chính mình trước - Ảnh 1.

YouTube là một trong những nền tảng giúp người dùng “làm quen” với quảng cáo trực tuyến nhiều nhất

Theo số liệu của công ty quảng cáo Adsota công bố, mức chi cho các hoạt động quảng cáo trực tuyến tăng đều mỗi năm tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2019 là 22,5%, đến năm 2020 tăng lên 23,4% và dự kiến, con số này lần lượt trong các năm 2021, 2022 là 24,2% và 24,7%.

Cũng theo một nghiên cứu thị trường cho thấy, người dùng có xu hướng nhớ quảng cáo trên ứng dụng và website di động lâu và nhiều chi tiết hơn. Gần một nửa số người được khảo sát (47%) chia sẻ rằng, họ có thể nhớ rất nhiều hoặc một số quảng cáo họ đã xem trên các ứng dụng di động.

Lo ngại về quảng cáo “bẩn” trên môi trường mạng

Các nội dung quảng cáo trên môi trường số thực sự có tác động tới nhận thức và hành vi của người dùng. Tuy nhiên, chính vì hoạt động trên mạng nên ngày càng có nhiều quảng cáo tràn lan với các hình thức khiến người xem khó chịu, nội dung nhảm nhí, cắt ghép không đúng sự thật, lấy hình ảnh chính trị gia, bác sĩ, người nổi tiếng để tăng mức độ uy tín, thậm chí là có những hình ảnh rất dung tục, phản cảm. Đây là điều khiến nhiều người dùng cảm thấy lo ngại, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ.

Quảng cáo bẩn bủa vây, người dùng cần tự bảo vệ chính mình trước - Ảnh 2.

Nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng về những nội dung con mình xem hàng ngày trên Internet

Mỗi ngày, vợ chồng chị Đặng Thị Hiền vẫn dành thời gian cùng con gái của mình sử dụng các thiết bị di động để học tập và giải trí trên Internet. Tuy nhiên, một số quảng cáo xuất hiện trên các ứng dụng khiến vợ chồng chị không khỏi lo lắng bởi những gì trẻ nghe được, thấy được, có thể ảnh hưởng tới ngôn ngữ, thậm chí là giấc ngủ của trẻ.

“Cảm thấy rất là bức xúc hay rất là khó chịu khi các con đang xem Youtube hoặc chơi trò chơi thì lại có những quảng cáo rất phản cảm. Nó không phù hợp với các con trẻ khi có những vấn đề liên quan đến của người lớn. Nó làm ngắt quãng các con đang học hoặc đang chơi. Khi mà các con đang độ tuổi phát triển, đang tuổi nhận thức và bắt đầu học hỏi những từ ngữ thì những quảng cáo này ảnh hưởng đến ngôn ngữ, nhận thức của các con” – chị Đặng Thị Hiền chia sẻ.

Không chỉ những trang web lậu mà thậm chí cả những nền tảng có phép cũng vẫn cứ thản nhiên quảng cáo cho các ứng dụng trái phép.

Luật sư Phạm Thanh Thủy, đại diện Nhóm chủ sở hữu quyền Việt nam (VCA), cho biết: “Khi cha mẹ mở trang web ra tưởng là không có gì, tưởng là an toàn nhưng nó lại xuất hiện bất thình lình lúc cha mẹ không thấy được. Những hình ảnh văn hoá phẩm đồ trụy đó sẽ gây tác hại rất lớn tới sự phát triển của trẻ nhỏ, suy nghĩ của trẻ nhỏ. Ngoài ra, những đứa trẻ có thể bấm vào những đường link lạ, dẫn đến nhiễm virus”.

Khi quản cáo “bẩn” bủa vây, người dùng cần tự bảo vệ chính mình trước bằng cách lựa chọn các nền tảng chính thống để giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải.

Quy trình phân phối quảng cáo trên nền tảng số

Thông qua các mạng phân phối quảng cáo, một nội dung quảng cáo có thể xuất hiện trên các nền tảng số theo quy trình tự động.

Cụ thể, các cá nhân/doanh nghiệp/ đại lý có nhu cầu sẽ tạo ra nội dung quảng cáo với mô tả kèm theo và tải lên các nền tảng phân phối quảng cáo, gọi là các Ad Network. Các Ad Network này có thể là một số đơn vị trong nước như AdMicro, Adtima hay các đơn vị xuyên biên giới như Google, Facebook.

Sau đó, các Ad Network, thông qua các thuật toán, sẽ phân phối quảng cáo tự động lên các Publisher là các trang web, ứng dụng, mạng xã hội hay báo điện tử có tham gia Ad Network đó.

Tăng cường quản lý nội dung quảng cáo trên môi trường Internet

Để kiểm soát ngăn chặn không cho những quảng cáo vi phạm xuất hiện trên nền tảng số thì cần ý chí, trách nhiệm của cả doanh nghiệp, nhà phân phối quảng cáo và các chủ các kênh, ứng dụng trên mạng.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chặn 2 mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không chịu hợp tác với Chính phủ Việt Nam. Việc quản lý nội dung quảng cáo cần phải được tăng cường hơn nữa dù biết còn đó rất nhiều khó khăn.

Facebook và Google hiện đang dẫn đầu về thị phần và doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam với trên 80% tổng doanh thu. Đây cũng là 2 đơn vị phân phối quảng cáo khó làm việc nhất bởi các nền tảng xuyên biên giới này không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Quảng cáo bẩn bủa vây, người dùng cần tự bảo vệ chính mình trước - Ảnh 3.

Facebook và Google là hai đơn vị phân phối quảng cáo khó làm việc nhất do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam

Các quy định về quảng cáo của pháp luật Việt Nam có sự khác biệt với chính sách của Facebook hay Google. Người trả tiền quảng cáo chỉ tuân theo chính sách của các nền tảng này nên rất dễ lách luật.

Ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết: “Quy định của một cái doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp toàn cầu, đều rất là lỏng lẻo để chạy theo lợi nhuận. Càng có nhiều người quảng cáo thì họ càng có nhiều tiền. Vì vậy, họ chỉ lọc những nội dung nó mang tính gọi là phổ quát, ví dụ xâm hại trẻ em hay khiêu dâm, bạo lực, còn những nội dung khác đặc thù của từng quốc gia, từng cộng đồng, dân tộc, thường họ không quan tâm nhiều”.

Sự không đồng nhất này khiến bộ lọc quảng cáo tự động không mang đến hiệu quả triệt để. Do đó, vai trò của đội ngũ nhân sự trong việc chọn lọc quảng cáo hiển thị trên trang của mình là điều vô cùng quan trọng.

Nhà báo Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Lê – cho rằng: “Với những Ad Network không có ý thức và những người xuất bản, việc kiểm soát nội dung sẽ để mặc định cho cái công nghệ đấy tiếp nhận tất cả yêu cầu của các nhà quảng cáo. Và trong những nhà quảng cáo ấy sẽ đưa những thông tin không có lợi cho cộng đồng, thông tin nhạy cảm, thậm chí là quảng cáo sản phẩm bất hợp pháp. Nếu chúng ta không kiểm soát thì nó sẽ tự động kết nối và đẩy lên các vị trí quảng cáo. Cho nên việc kiểm soát này rất quan trọng. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tay cho các hoạt động quảng cáo bất hợp pháp”.

Mạng xã hội ngày càng thông minh khi biết phân phối quảng cáo trên mỗi giao diện khác nhau phụ thuộc vào hành vi, sở thích của người dùng. Do đó, không phải những gì người lớn thấy là trẻ em thấy và không phải những gì trẻ em xem thì người lớn cũng biết được. Vì vậy, hạn chế thấp nhất các quảng cáo độc hại xuất hiện trên môi trường mạng là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ tất cả chúng ta.

Nguồn: vtv.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

X
Xin chào ICDL Việt Nam
Chào mừng bạn tới Trung tâm hỗ trợ dịch vụ online !
wpChatIcon